Trong thực tế, tội phạm có thể do một người thực hiện hoặc do nhiều người người thực hiện. Trong trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì được gọi là đồng phạm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có nhiều người thực hiện tội phạm nhưng không được coi là đồng phạm. Vì vậy, Luật sư sẽ giúp Quý độc giả tìm hiểu thêm về quy định này.
1. Dấu hiệu khách quan
- Dấu hiệu về số lượng người tham gia
Đồng phạm đòi hỏi phải có ít nhất hai người trở lên cùng tham gia vào việc thực hiện tội phạm. Những người này phải có đầy đủ các điều kiện về chủ thể của một tội phạm.
- Dấu hiệu hành vi phạm tội
Hành vi của mỗi người đồng phạm được thực hiện trong sự liên kết, thống nhất với nhau; hành vi của người này hỗ trợ người khác, có ảnh hưởng tác động qua lại.
- Dấu hiệu hậu quả chung của đồng phạm
Hậu quả của tội phạm trong đồng phạm phải là kết quả chung do sự phối hợp hoạt động của tất cả những người tham gia vào việc thực hiện tội phạm đưa lại.
- Dấu hiệu mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả trong đồng phạm
Hành vi của mỗi đồng phạm đều là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả chung của tội phạm (Mối quan hệ nhân quả kép trực tiếp).
Khi có sự phân công vai trò giữa những người cùng thực hiện tội phạm (người tổ chức, người giúp sức, người xúi giục, người thực hành) thì chỉ có hành vi của người thực hành là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hậu quả chung; còn hành vi của những người khác thì thông qua hành vi của người thực hành mà gây ra hậu quả đó. Do đó, việc xác định quan hệ nhân quả giữa hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức với hậu quả chung phải được xem xét trong mối quan hệ giữa những hành vi đó với hành vi thực hành.
2. Dấu hiệu chủ quan
Dấu hiệu đặc trưng thuộc mặt chủ quan của đồng phạm là phải có sự “cùng cố ý” của tất cả những người tham gia vào việc thực hiện tội phạm.
Về ý thức đối với hành vi phạm tội, mỗi đồng phạm không những nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, mà còn biết mình đang hoạt động chung với những đồng phạm khác. Đồng thời, nhận thức được hành vi của những đồng phạm khác cũng nguy hiểm cho xã hội. Về ý thức đối với hậu quả trong đồng phạm, các đồng phạm thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội xủa hành vi của mình, đồng thời cũng nhìn thấy trước hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện.
Về ý chí, những người đồng phạm cùng mong muốn có hoạt động chung và cùng mong muốn có hậu quả xảy ra hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả phát sinh.
- Dấu hiệu mục đích phạm tội
Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện một tội phạm. Trong quá trình cố ý cùng thực hiện một tội phạm, mục đích phạm tội của mỗi người đồng phạm có thể khác nhau. Đối với những tội phạm không yêu cầu mục đích là dấu hiệu định tội thì các đồng phạm không buộc phải có chung dấu hiệu “cùng mục đích”.
Tuy nhiên, nếu trong mặt chủ quan của một số cấu thành tội phạm quy định “mục đích” là dấu hiệu bắt buộc thì các đồng phạm phải có cùng mục đích. Cũng được coi là “cùng mục đích” phạm tội khi những người tham gia thực hiện tội phạm biết rõ và tiếp nhận mục đích của nhau.
Nếu cấu thành tội phạm quy định “cùng mục đích” là dấu hiệu bắt buộc , nhưng những người tham gia thực hiện tội phạm không có chung mục đích thì không phải là đồng phạm.
- Dấu hiệu động cơ phạm tội
Tương tự như mục đích phạm tội.
Trên đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến việc xác định đồng phạm mà Luật sư Tranh tụng cho rằng Quý độc giả cần nắm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia tố tụng.
Nguồn tham khảo: Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, Nxb Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, xuất bản năm 2012.
Thủy Lê
(Nguồn: luatsutructuyen.vn)
Trong trường hợp Quý khách cần sự tư vấn trực tiếp từ Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi - Công ty Luật APOLO LAWYERS.