Di sản thừa kế là tài sản (bao gồm tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác). Thông thường, khi có di chúc, việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc.
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015(BLDS), khi người chết để lại di sản, không có di chúc thì những người thừa kế theo pháp luật được xác định dựa trên 03 mối quan hệ với người chết là quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân và quan hệ nuôi dưỡng. Theo đó, tại Điều 651 BLDS, những người thừa kế theo pháp luật được phân chia thành 03 hàng thừa kế:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Đây là hàng thừa kế đầu tiên được xét đến để thực hiện việc phân chia di sản theo pháp luật khi người chết để lại di sản, không có di chúc. Bởi lẽ, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất này là những người có mối quan hệ gắn bó nhất với người chết.
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Hai hàng thừa kế này được xét đến để thực hiện việc phân chia di sản theo pháp luật khi không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất. Bởi lẽ, di sản thừa kế chỉ được chia cho một hàng thừa kế và tuân theo thứ tự ưu tiên là hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai và thứ ba, nghĩa là những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
BLDS cũng quy định dự liệu trường hợp có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng. Nếu người thừa kế đó còn sống sau khi sinh ra thì được hưởng phần di sản đó; nếu người thừa kế đó chết trước khi sinh ra thì phần di sản đó được chia đều cho những người thừa kế khác.
Trên thực tế còn có trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản, đối với trường hợp này thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống(đây gọi là thừa kế thế vị, được quy định tại Điều 652 BLDS).
Đối với di sản thừa kế bằng là hiện vật, những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật (ví dụ: di sản là 01 căn nhà), những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Một điều đáng lưu ý mà những người thừa kế cần đặc biệt quan tâm để đảm bảo quyền lợi của mình là vấn đề về thời hiệu yêu cầu chia di sản. Về vấn đề này, Điều 623 BLDS quy định như sau:
“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
Khi người chết để lại di sản, không có di chúc thì những người thừa kế cần hết sức lưu tâm đến vấn đề thời hiệu yêu cầu chia di sản. Bởi lẽ, như quy định ở trên thì đối với di sản là bất động sản thì thời hiệu yêu cầu chia di sản là 30 năm, nhưng đối với động sản thì thời hiệu yêu cầu chia di sản chỉ có 10 năm và việc xác định thời điểm bắt đầu hay kết thúc thời hiệu này cũng rất phức tạp. Do đó, lời khuyên cho những người thừa kế là cần tham khảo ý kiến luật sư về trường hợp của mình, luật sư sẽ cho bạn biết liệu bạn có được hưởng di sản không và sẽ được hưởng bao nhiêu trong phần di sản của người chết để lại; đồng thời luật sư sẽ xác định chính xác thời hiệu yêu cầu chia di sản của bạn cụ thể là bắt đầu, kết thúc vào thời điểm nào, tránh việc bạn tự xác định sai thời điểm làm mất quyền lợi của mình hoặc liên hệ với Công ty Luật Apolo Lawyers để được tư vấn cụ thể hơn.
Ngọc Huyền
(Nguồn: luatsutructuyen.net)
Trong trường hợp Quý khách cần sự tư vấn trực tiếp từ Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi - Công ty Luật APOLO LAWYERS.