Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, giai đoạn kế tiếp là giai đoạn thi hành án dân sự, các bên phải thực hiện nghĩa vụ cũng như được hưởng các quyền được nêu trong bản án. Tuy nhiên, do chưa nắm được quy định của pháp luật về thời hiệu thi hành án dân sự mà ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
1/ Thời hiệu thi hành án dân sự
Thời hiệu yêu cầu thi hành án là 5 năm, kể từ ngày Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên sẽ không tính vào thời hạn yêu cầu thi hành án khi có căn cứ để quyết định tạm hoãn, tạm đình chỉ thi hành án của Cơ quan Thi hành án (trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án cho người phải thi hành án)
Căn cứ điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008:
“Điều 30. Thời hiệu yêu cầu thi hành án
1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.
3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.”
Việc hoãn thi hành án được quy định tại Điều 48 Luật Thi hành án dân sự 2008 như sau:
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây:
“a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định;
b) Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án;
c) Người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên;
d) Tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lý để giải quyết;
đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 179 của Luật này.”
Chỉ cần thuộc một trong các trường hợp nêu trên, các bên liên quan có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước xem xét hoãn việc thi hành án dân sự nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên.
Cẩm Tú
(Nguồn: luatsutructuyen.net)
Trong trường hợp Quý khách cần sự tư vấn trực tiếp từ Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi - Công ty Luật APOLO LAWYERS.