Ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, người thầy thuốc phải đọc “Lời thề Hippocrates” trước khi ra trường – đây được xem là tuyên ngôn của ngành Y mà tất cả các bác sĩ sẽ phải khắc ghi trong suốt sự nghiệp của mình.
Tuy nhiên hiện nay, khi tìm kiếm cụm từ “bác sĩ sai sót” hay “bác sĩ làm chết người” thì kết quả cho ra hàng loạt câu chuyện thương tâm xảy ra do sự sơ suất của người bác sĩ và các chuyên viên y tế. Điều này khiến người ta không khỏi nghi ngờ về sự nghiêm túc và chất lượng của bác sĩ nói riêng và nhân viên y tế ở nước ta, nói chung.
Vậy phải làm gì khi ta là nạn nhân của những vị “bác sĩ sai sót” này?
Thứ nhất, xác định người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.
Cách xác định được quy định tại Điều 73 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, theo đó:
“1. Người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này xác định đã có một trong các hành vi sau đây:
a) Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh;
b) Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp;
c) Xâm phạm quyền của người bệnh.
2. Người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này xác định thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh;
b) Trong trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật, thiếu người hành nghề theo quy định của pháp luật mà không thể khắc phục được hoặc bệnh đó chưa có quy định chuyên môn để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh; các trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh.”
Thứ hai, tố cáo về hành vi sai sót khi khám bệnh, chữa bệnh.
Người có liên quan có quyền viết đơn tố cáo về hành vi sai sót khi khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề, để gửi đến người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nơi người hành nghề đang làm việc, theo quy định tại Điều 12 Luật tố cáo năm 2018.
Thứ ba, trách nhiệm thuộc về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề khi xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh.
Khi có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh hoặc trong trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật, thiếu người hành nghề theo quy định của pháp luật mà không thể khắc phục được hoặc bệnh đó chưa có quy định chuyên môn để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh; các trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh, thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề khi xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh, quy định tại Điều 76 và Điều 77 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Thứ tư, xử lí vi phạm.
Tùy theo mức độ, hậu quả, lỗi,… các yếu tố khác của trường hợp vi phạm cụ thể mà người hành nghề bị xử lí hành chính hay chịu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ:
Căn cứ theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật; vi phạm quy định về kiểm nghiệm thuốc;… sẽ xử lí phạt tiền, cải thiện hậu quả, buộc xin lỗi hay bồi thường cho nạn nhân và gia đình nạn nhân để khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.
Theo quy định Bộ luật Hình sự 2015:
“Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Mỗi một người đều có giá trị khác nhau, mỗi một sinh mạng đều trân quý như nhau. Dù là mất đi ai cũng đều là tổn thất của xã hội. Dẫu biết rằng việc các chuyên viên y tế, các bác sĩ sai sót trong công việc là khó tránh khỏi, nhưng với sự nghiệp đặc biệt mà họ đang phục vụ và theo đuổi thì cần phải hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Cẩm Tú
(Nguồn: luatsutructuyen.net)
Trong trường hợp Quý khách cần sự tư vấn trực tiếp từ Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi - Công ty Luật APOLO LAWYERS.