Dọc theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, có nhiều nơi để người ta dừng chân, nghỉ ngơi, ăn uống và vui chơi. Có một địa chỉ cũng được nhiều người lui tới, nhưng hầu hết trong số họ, không ai muốn đến nơi này.
Tôi thì khác, tôi hay đến đó vì đây là một trong những nơi làm việc của tôi. Nơi này rất dễ nhận biết vì đó là một tòa nhà cổ được phủ bởi lớp sơn màu vàng, và có những chiếc cửa sổ lớn màu xanh biển. Tòa nhà được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ XIX. Hiện người ta vẫn còn sử dụng và đang trùng tu nó. Mặt trước của gian chính giữa tòa nhà có khắc dòng chữ “PHÁP ĐÌNH”.
Đây là một trong những tòa án lớn của cả nước. Vì vậy, án ở đây rất nhiều và thường là đại án. Khi nói về đại án, người ta ngầm hiểu đây là án hình sự. Vì ngoài vấn đề về tài sản, nó còn liên quan đến tính mạng con người.
Thông thường, trong những phiên tòa xử các đại án, chỉ những người có liên quan hoặc người thân các bị cáo mới có thể tham dự vì phòng xử không đủ chỗ cho những người khác.
Tôi hay đứng ở ngoài, thậm chí là từ ngoài cổng, chỉ để nhìn.
Phần lớn sân tòa án được trưng dụng để làm bãi đậu cho xe cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hỏa. Vậy là, để ngăn những người khác vào khu vực hạn chế, một hàng rào lưới bao quanh phần diện tích này được dựng nên.
Phía ngoài hàng rào, lúc nào cũng có đông người đứng đợi. Họ là những người đến Tòa án sớm nhất.
Từ xa, họ đã bắt đầu nghe thấy tiếng còi báo hiệu nhường đường cho xe ưu tiên. Mỗi tiếng còi vang lên là mỗi lần tim họ lại đập rộn ràng. Vì chỉ ít phút nữa thôi, trong những chiếc xe màu xanh lục tối đen ấy, nơi ánh sáng chỉ được đếm bằng tia nắng, sẽ xuất hiện một con người. Đó là người con trai mà đã rất lâu rồi anh chưa được gặp bố mẹ mình. Đó là người chồng của một cô vợ trẻ, hai người vẫn còn chưa tính đến chuyện cưới xin. Đó là người cha của một bé gái hai tuổi và một em bé nữa chưa chào đời. Đó là người đồng nghiệp hiền lành, hay giúp đỡ mọi người. Đó có thể là bất cứ ai trong cuộc đời này. Đó là một người bình thường như bao người khác. Chỉ có điều, hôm nay, họ đến đây, theo một cách chưa bao giờ được mong đợi, với một tên gọi đầy ám ảnh - bị cáo.
Sự xuất hiện ấy đã xóa tan mệt mỏi của những người đang đứng đợi bên kia hàng rào chắn. Rồi những tiếng gọi phát ra, không phải từ các bị cáo, mà từ người thân của họ. Hàng người chen chúc nhau, cố gắng vẫy tay thật mạnh, làm đủ mọi cách chỉ để người thân của họ có thể dễ dàng nhận ra:
- “Liêm ơi, mẹ đây này”.
…
- “Anh Viễn, em nè”.
…
- “Con ơi, Tâm! Tâm!”.
...
Đôi bàn tay đã bị còng lại, nhưng các bị cáo vẫn cố gắng đưa mắt một vòng thật nhanh về phía hàng người đang kêu gào để kịp nhận ra người thân của mình.
Có những khoảng cách tuy có thể tiến tới nhưng không chạm được. Có những cuộc gặp gỡ tuy muốn nói với nhau đủ điều nhưng rồi ngôn từ không thể diễn đạt hết. Tất cả họ, không ai bảo ai, đều nở trên môi một nụ cười.
Phút giây ấy thực sự ấm áp. Mọi thứ xung quanh tôi biến mất. Tôi chỉ cảm thấy đâu đó có một sợi dây vô hình, kết nối những người ở bên trong và bên ngoài hàng rào chắn.
Mọi thứ chỉ kịp diễn ra trong vài cái chớp mắt.
Phiên tòa sẽ kéo dài nhiều ngày, thậm chí có vụ kéo dài cả tháng vì số lượng bị cáo lên đến cả trăm người. Những ngày đó, báo chí sẽ bắt đầu giật tít, cập nhật tình hình vụ án, rồi đưa ra hàng loạt quan điểm pháp lý của luật sư và bắt đầu dự đoán về một bản án “đúng người, đúng tội”.
Tôi ít khi đọc báo vì tôi biết có một thế giới khác đằng sau mỗi phiên tòa. Đó là thế giới của sự hy vọng. Hy vọng về những ngày bình thường, được ăn, được ngủ, được yêu thương, được giận hờn, được khỏe mạnh, được ốm đau, để thấy mình được sống. Đó là thế giới của những người tử tù.
Thủy Lê
(Nguồn: luatsutructuyen.vn)
Trong trường hợp Quý khách cần sự tư vấn trực tiếp từ Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi - Công ty Luật APOLO LAWYERS.