Người ta thường nói hôn nhân là đích đến của hạnh phúc, là khi mà ta được cùng một nửa của mình cùng chung tay xây đắp tổ ấm mới. Nhưng, không phải ai cũng biết cách giữ hạnh phúc để có lúc lại trở thành các bên đương sự trong phiên tòa giải quyết ly hôn.
Theo quy định của pháp luật, Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
1/ Chủ thể có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, chủ thể có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn bao gồm: cả hai vợ chồng; một bên vợ hoặc chồng; người thân thích của một bên vợ, chồng.
Trường hợp cả hai cùng ký Đơn yêu cầu ly hôn: Tòa án sau khi xét thấy yêu cầu ly hôn của hai bên là tự nguyện và đã thỏa thuận về tài sản cũng như nghĩa vụ liên quan đến con cái dựa trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của vợ và con thì Tòa công nhận Thuận tình ly hôn.
Trường hợp chỉ có một bên vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn thì đây thuộc trường hợp Đơn phương ly hôn: khi vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Trường hợp có yêu cầu ly hôn từ người thân thích của một bên vợ, chồng thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
2/ Thủ tục ly hôn
- Tòa án có thẩm quyền: Yêu cầu ly hôn được giải quyết tại Tòa án nhân dân cấp Huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc.
- Hồ sơ ly hôn bao gồm: Đơn xin ly hôn; Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; Bản sao sổ hộ khẩu; Bản sao chứng minh nhân dân; Chứng từ chứng minh tài sản chung của vợ và chồng; Bản sao khai sinh của con.
3/ Vai trò của Luật sư
Nhiều người quan niệm rằng ly hôn là chuyện riêng trong nhà và không muốn cho người ngoài tham gia, can thiệp, nên hầu như họ không bao giờ tìm đến Luật sư ngay từ đầu. Cũng vì lý do này mà sau khi được Tòa án giải quyết ly hôn thì họ mới “dở khóc, dở cười” trước kết quả từ bản án. Vì không hiểu biết pháp luật nên họ không có những yêu cầu, ý kiến cần thiết để Tòa án có thể giải quyết triệt để vụ án. Có khi sau rất nhiều năm kể từ khi vợ chồng ly hôn mà tài sản chung của vợ chồng vẫn còn “treo” ở đó, không ai có thể tự mình sử dụng, định đoạt tài sản sản này, bởi vì tài sản này vẫn còn đang đứng tên của vợ chồng.
Luật sư là người nắm vững kiến thức pháp luật sâu rộng, kinh nghiệm nhiều năm trong nghề. Từng va chạm và tham gia vào không ít vụ kiện, từ hôn nhân, chia tài sản, tranh chấp đất đai,… bằng việc vận dụng kinh nghiệm được tích lũy trong nhiều năm, Luật sư nắm bắt sự việc nhanh chóng, hiểu được nguyện vọng của khách hàng, cũng như đưa ra cách giải quyết nhanh chóng, có lợi nhất cho khách hàng.
Thứ nhất, Luật sư không chỉ đưa ra cách giải quyết vấn đề mà còn hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ cũng như thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng. Mọi người có thể cho rằng ly hôn là việc đơn giản chỉ cần nộp đơn yêu cầu là xong nhưng Đơn yêu cầu gồm những nội dung gì? Nên viết gì và không nên viết gì? Ly hôn bao gồm những thủ tục gì?... Những văn bản gửi đến Tòa án có nội dung rành mạch, lập luận chặt chẽ sẽ khiến Tòa án hiểu rõ nguyện vọng của đương sự, bên cạnh đó, các thủ tục tố tụng phải được thực hiện đầy đủ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích khách hàng.
Thứ hai, việc phân chia tài sản sau khi ly hôn rất phức tạp nên cần có Luật sư hướng dẫn giải quyết. Khi yêu nhau, mọi người muốn dành cho nhau những điều tốt đẹp bao nhiêu thì khi ly hôn họ lại muốn dành lại hết bấy nhiêu. Theo quy định của pháp luật, sau khi ly hôn, tài sản riêng thuộc quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng, tài sản chung sẽ được phân chia. Tuy nhiên, việc phân biệt tài sản chung, tài sản riêng thật sự không dễ dàng, ngoài ra, việc chia tài sản chung còn dựa vào nhiều nguyên tắc, ví dụ như nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho mẹ và con, nguyên tắc phân chia dựa theo công sức đóng góp,… Nếu các bên quyết định để Tòa án giải quyết thì sẽ mất nhiều loại phí khác nhau liên quan đến định giá và phân chia tài sản; còn nếu các bên tự thỏa thuận tài sản thì không thể đảm bảo nguyên vẹn lợi ích bản thân. Ngược lại, khi nhờ đến sự giúp đỡ của Luật sư, mọi chuyện lại trở nên đơn giản hơn nhiều.
Thứ ba, về việc giành quyền nuôi con, ngoài tài sản, quyền được nuôi con cũng là mối quan tâm của các bên đương sự trong vụ việc ly hôn. Không phải lúc nào Thẩm phán cũng có thể nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo khi trao quyền nuôi dưỡng. Khi hai bên xuất trình chứng cứ chứng minh rằng họ cân bằng với nhau về điều kiện nuôi dưỡng con, khi đó, Luật sư sẽ giúp khách hàng tìm ra những bằng chứng mới, căn cứ khác thuyết phục hơn nhằm khẳng định khả năng nuôi dưỡng con cái của khách hàng là tốt hơn.
Thông qua những nội dung nêu trên, chúng ta thấy được rằng vai trò của Luật sư trong quá trình giải quyết ly hôn là vô cùng quan trọng và cần thiết. Khi muốn việc ly hôn diễn ra suôn sẻ và bí mật thì sự tham gia của luật sư gần như là “sự lựa chọn thông minh” và “đắc lực” nhất cho các đương sự, bởi qua đó, chúng ta sẽ bảo vệ được quyền và lợi ích của mình một cách hiệu quả nhất.
Cẩm Tú
(Nguồn: luatsutructuyen.vn)
Trong trường hợp Quý khách cần sự tư vấn trực tiếp từ Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi - Công ty Luật APOLO LAWYERS.