Bộ luật dân sự định nghĩa: “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể.” Như vậy, các yếu tố của đề nghị giao kết hợp đồng bao gồm: (i) thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng; (ii) thể hiện ý chí của bên đề nghị muốn được ràng buộc nếu bên kia chấp nhận nó; (iii) đề nghị được gửi tới đối tượng xác định cụ thể.
1/ Giá trị pháp lý của đề nghị giao kết hợp đồng
Theo quy định tại Điều 388 và Điều 391 Bộ luật Dân sự năm 2015, một đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó hoặc do bên đề nghị ấn định và chấm dứt khi hết hạn trả lời.
Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau:
- Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng;
- Bên được đề nghị trả lời không chấp nhận;
- Hết thời hạn trả lời chấp nhận;
- Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;
- Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;
- Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.
Cần lưu ý, “sự im lặng” của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.
2/ Thay đổi, rút lại, hủy bỏ đề nghị giao kết
Bên đề nghị có thể thay đổi hoặc rút lại đề nghị trong các trường hợp sau đây:
- Nếu bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;
- Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.
Bên đề nghị chỉ được hủy bỏ đề nghị khi thỏa mãn hai điều kiện sau:
- Đề nghị có nêu quyết định được hủy bỏ đề nghị;
- Bên đề nghị thông báo hủy bỏ đề nghị và bên nhận được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên này trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng;
3/ Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
Theo Điều 393 và Điều 394 Bộ luật Dân sự năm 2015, một trả lời được xem là chấp nhận giao kết hợp đồng có hiệu lực khi thỏa mãn điều kiện về nội dung và thời hạn trả lời:
Thứ nhất là về nội dung, nội dung của trả lời phải chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Nói cách khác, việc chấp nhận vô điều kiện, nếu người trả lời không đồng ý về một điểm dù là thứ yếu của đề nghị trả lời đó được xem như là một đề nghị mới.
Thứ hai là về thời hạn, trả lời chấp nhận giao kết phải được thực hiện trong hạn trả lời.
Nếu bên đề nghị nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này không còn hiệu lực và được xem như là đề nghị mới của bên đã chậm trả lời. Nếu sự chậm trễ là do nguyên nhân khách quan mà người đề nghị biết hoặc phải biết về nguyên nhân khách quan này thì chấp nhận vẫn có hiệu lực, trừ phi người đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó.
Cẩm Tú
Trong trường hợp Quý khách cần sự tư vấn trực tiếp từ Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi - Công ty Luật APOLO LAWYERS.