Kể từ thời điểm có hiệu lực của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, thủ tục đăng ký kết hôn giữa các công dân Việt Nam, hiện đang cư trú tại Việt Nam, với nhau cũng trở nên đơn giản hơn.
1. Điều kiện đăng ký kết hôn
Nam, nữ phải thỏa mãn tất cả các điều kiện quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật HNGD năm 2014:
“Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.”
2. Trình tự thủ tục đăng ký kết hôn
a) Đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn.
- Hai bên nam, nữ cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
- Thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ.
- Trường hợp nam, nữ đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà người yêu cầu đăng ký kết hôn không thường thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
b) Hồ sơ đăng ký kết hôn bao gồm:
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định của cơ quan đăng ký hộ tịch.
- Xuất trình một trong các giấy tờ: hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp (còn giá trị sử dụng) để chứng minh về nhân thân (bản chính).
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (bản chính).
Cơ sở pháp lý:
- Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
- Nghị định số 123/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
3. Thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn
Căn cứ khoản 2 Điều 18 Luật hộ tịch năm 2014 quy định về như sau:
“2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.”
Vì vậy, khi hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn và nộp hồ sơ hợp lệ thì việc đăng ký kết hôn được thực hiện ngay, trường hợp cần xác minh cũng không được quá 5 ngày. Việc thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn không làm phát sinh bất kỳ khoản lệ phí nào.
Cẩm Tú
(Nguồn: luatsutructuyen.net)
Trong trường hợp Quý khách cần sự tư vấn trực tiếp từ Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi - Công ty Luật APOLO LAWYERS.