Call us: (028) 66.701.709 | Hotline: 0903.600.347

Ngôn ngữ

englishEnglish / VietnamTiếng Việt

Đánh trả người cướp tài sản có phạm tội không?

Trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp, các tội phạm trật tự xã hội, đặc biệt là hành vi cướp tài sản có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Điều này là vấn đề nhức nhối gây hoang mang trong dư luận xã hội. Tội cướp tài sản không những xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản mà còn xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của con người. Ngoài ra, tội này còn gây ra hậu quả làm cho gia đình và người thân của nạn nhân phải gánh chịu những mất mát to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, làm cho quần chúng nhân dân hoang mang lo lắng về sự bình yên của cuộc sống. Nhưng nếu người bị cướp tài sản Đánh trả người cướp tài sản có phạm tội không?

Bài viết dưới đây của Công ty Luật Apolo Lawyers sẽ giúp cho Quý khách hàng giải đáp được vấn đề này. Quý khách hàng vui lòng liên hệ đến Hotline 0903.419.479 để được Công ty Luật Apolo Lawyers hỗ trợ tốt nhất.  

1. Thế nào là tội cướp tài sản, đánh trả người cướp tài sản có bị phạt không?

Tội cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý làm cho người có tài sản lâm vào tình trạng không thể chống cự nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Tội cướp tài sản được quy định cụ thể tại điều 168 bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Trên thực tế, vì muốn bảo vệ tài sản, tính mạng của mình nên nhiều trường hợp nạn nhân đã phải chống trả lại kẻ cướp. Để xác định hành vi đánh trả người cướp tài sản có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không cần xem xét trong hai trường hợp.

Thứ nhất, đánh trả người cướp tài sản trong trường hợp phòng vệ chính đáng.

Thứ hai, đánh người cướp tài sản vượt quá phòng vệ chính đáng.

Danh-tra-nguoi-cuop-tai-san-co-pham-toi-khong-01

>>> Xem thêm: Tham ô tài sản bị xử phạt ra sao?

a. Đánh trả người cướp tài sản trong trường hợp phòng vệ chính đáng

Theo Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 quy định phòng vệ chính đáng là một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, trong đó nêu rõ:

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.”

Vì vậy, người phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Ngoài ra, hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện sau:

- Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.

- Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.

- Phòng vệ chính đáng giúp chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại.

- Phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.

Theo đó, để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như:

- Khách thể cần bảo vệ (ví dụ: bảo vệ tính mạng, tài sản);

- Mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng;

- Cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ…

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự và các căn cứ phát sinh quyền phòng vệ chính đáng nêu trên, khi nạn nhân bị dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để cướp tài sản (hành vi này còn đe doạ tính mạng của nạn nhân) thì có quyền chống trả lại một cách cần thiết để bảo vệ tài sản, tính mạng của mình. Việc chống trả này sẽ được coi là hành vi phòng vệ chính đáng và không phải là phạm tội.

Do đó, khi nạn nhân đánh trả lại người cướp tài sản trong trường hợp phòng vệ chính đáng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

b. Đánh người cướp tài sản vượt quá phòng vệ chính đáng

Cũng tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015, khoản 2 Điều luật này có quy định:

“2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

Trước hết, để vượt quá phòng vệ chính đáng thì người này phải phát sinh quyền phòng vệ của mình và hành vi đánh trả lại người cướp tài sản một cách quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì được coi là vượt quá phòng vệ chính đáng. Người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Việc xác định như thế nào là chống trả một cách quá mức cần thiết sẽ do cơ quan có thẩm quyền đánh giá dựa trên tính chất, mức độ, mục đích của hành vi gây thiệt hại và hành vi phòng vệ.

2. Đánh người cướp tài sản vượt quá phòng vệ chính đáng bị xử lý như thế nào?

Người thực hiện hành vi đánh trả người cướp tài sản trong trường hợp vượt quá phòng vệ chính đáng mà gây tổn hại về sức khỏe hoặc tính mạng của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau:

*Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015). Mức phạt của tội này như sau:

- Khung 1: Phạt tiền từ 05 - 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương từ 31% - 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

- Khung 2: Phạt tù từ 03 tháng - 02 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

+ Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương của mỗi người từ 31% - 60%;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương từ 61% trở lên.

-  Khung 3: Phạt tù từ 01 - 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Dẫn đến chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương của mỗi người từ 61% trở lên.

*Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015). Mức phạt của tội này như sau:

- Khung 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Khung 2: Phạt tù từ 02 - 05 năm nếu phạm tội với 02 người trở lên.

Danh-tra-nguoi-cuop-tai-san-co-pham-toi-khong-02

>>> Xem thêm: Người làm chứng khai sai sự thật thì bị xử lý như thế nào?

3. Cách phòng vệ chính đáng khi bị cướp tài sản

Pháp luật cho phép người dân được thực hiện các hành vi chống trả lại khi thấy tài sản, tính mạng của mình đang bị xâm phạm. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc nạn nhân có thể tự ý chống trả lại dẫn tới người cướp tài sản bị thương nặng hoặc tử vong.

Tại Điều 20 Hiến pháp đã khẳng định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ.”

Đồng thời, khoản 1 Điều 33 Bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ: “Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.”

Như vậy, dù là người đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cũng đều được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe một cách công bằng, bình đẳng.

Theo quy định tại Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự, đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Trong trường hợp người phạm tội có mang theo hung khí thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người này.

Tóm lại, khi gặp kẻ cướp để phòng vệ chính đáng, không nên quá kích động và mất bình tĩnh để dẫn đến hành động vi phạm pháp luật, cần áp dụng những biện pháp áp chế tội phạm một cách phù hợp, đồng thời báo cho cơ quan Công an hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất để được hỗ trợ giải quyết.

4. Luật sư tư vấn về trường hợp đánh trả người cướp tài sản và liên hệ tư vấn

Khi Quý khách thuộc một trong các chủ thể liên quan đến đánh người cướp tài sản vượt quá phòng vệ chính đáng. Quý khách nên liên hệ với luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình được tốt nhất. Công ty Luật Apolo Lawyers cung cấp một số hoạt động pháp lý có liên quan như sau:

  • Tư vấn cho Khách hàng thế nào là phòng vệ chính đáng, điều kiện phát sinh quyền phòng vệ chính đáng, vượt quá phòng vệ chính đáng, các quy định có liên quan của pháp luật hình sự;
  • Tư vấn quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan;
  • Tư vấn về thủ tục mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
  • Tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Khách hàng;
  • Hỗ trợ Khách hàng soạn thảo các văn bản như văn bản kiến nghị, khiếu nại trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử;
  • Tư vấn, hỗ trợ Khách hàng cung cấp, thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan.

Nếu có khó khăn, thắc mắc về Đánh trả người cướp tài sản có phạm tội không? Cũng như các vấn đề khác Quý khách hàng vui lòng liên hệ với Công ty Luật Apolo Lawyers qua email contact@apolo.com.vn hoặc Hotline - 0903.419.479 để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất.

Chúng tôi luôn cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp với chất lượng vượt trội. Thông tin của khách hàng được chúng tôi bảo mật tuyệt đối. Và điều quan trọng mang đến sự thành công cho chúng tôi là chúng tôi luôn mang đến cho khách hàng sự an tâm và lợi ích tối đa trong từng vụ việc.

APOLO LAWYERS

 

Dịch Vụ Giải Quyết Tranh Chấp Đất Đai

Dịch Vụ Thành Lập Doanh Nghiệp

Dịch Vụ Đăng Ký Nhãn Hiệu Hàng Hóa

Dịch Vụ Tham Gia Giải Quyết Tranh Chấp Tại Tòa Án

Dịch Vụ Tư Vấn Ly Hôn

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận bản tin ngay hôm nay để nhận được những thông tin mới nhất từ CÔNG TY LUẬT APOLO LAWYERS

phone-icon