Hàng giả (hay hàng nhái – theo cách gọi phổ biến trong xã hội) là hàng tiêu dùng vi phạm luật Sở hữu trí tuệ. Người làm giả cố tình tạo ra hàng hóa có mẫu mã giống những thương hiệu nổi tiếng trên thị trường để gây nhầm lẫn, lừa gạt người tiêu dùng hòng đẩy doanh số bán hàng lên cao.
1/ Pháp luật quy định như thế nào về “hàng giả”?
Theo quy định tại khoản 8, Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP và khoản 3 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định hàng giả bao gồm các loại:
“a) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
d) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
g) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;
h) Tem, nhãn, bao bì giả."
2/ Dấu hiệu nhận biết của nhóm mặt hàng được xem là “hàng giả”
Dựa trên những quy định của pháp luật về thuật ngữ “hàng giả”, chúng ta có thể xác định “hàng giả” dựa theo việc mặt hàng có một hoặc nhiều dấu hiệu dưới đây, cụ thể:
- Giả về chất lượng và công dụng: Là những loại hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hóa.
- Giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa: Đây là dạng làm giả hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương hiệu khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hóa hoặc giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn và bao bì sản phẩm.
- Giả mạo về sở hữu trí tuệ: Là tình trạng hàng hóa bị gắn nhãn trùng với sản phẩm chính hãng của doanh nghiệp. Những dấu hiệu này trùng hoặc khó phân với với sản phẩm hãng, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu, doanh nghiệp. Hàng hóa sao chép lậu không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.
- Giả mạo về các loại tem, nhãn, bao bì hàng hóa: Bao gồm việc làm giả các loại nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tem chất lượng, tem chống hàng giả, phiếu bảo hành có nội dung giả mạo tên, địa chỉ doanh nghiệp, nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
Trong trường hợp Quý khách cần sự tư vấn trực tiếp từ Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi - Công ty Luật APOLO LAWYERS.
Cẩm Tú